Học sinh Trường THCS-THPT Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội.

Quy định về công khai đối với cơ sở giáo dục

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 09/2024/TT-BGD&ĐT ngày 3/6/2024 quy định công khai đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Thông tư có hiệu lực thi hành từ 19/7/2024.

Thông tư số 09/2024/TT-BGD&ĐT (Thông tư 09) thay thế Thông tư số 36/2017/TT-BGD&ĐT ngày 28/12/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (Thông tư 36).

Thông tư 09 thay thế Thông tư 36 được bố cục lại theo hướng tường minh, rõ và gọn hơn, với nội dung công khai gồm 2 phần. Phần công khai chung đối với các cơ sở giáo dục và phần công khai riêng đối với từng cấp bậc học (giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên; giáo dục đại học và trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non). Từ đó, giảm tối đa các biểu mẫu bắt buộc cơ sở giáo dục phải kê khai (từ 21 phụ lục giảm còn 2 phụ lục trong Báo cáo thường niên).

Để tránh chồng chéo trong việc thực hiện công khai của cơ sở giáo dục, do thông tin cơ bản công khai theo quy định đều được cập nhật trên cơ sở dữ liệu ngành, Thông tư 09 chỉ quy định nội dung, cách thức, thời điểm công khai và nguyên tắc công khai để cơ sở giáo dục chủ động xây dựng thông tin theo chủ đề tương thích với cấu trúc của trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục.

Về hình thức công khai, Thông tư 09 đã lược bỏ một số quy định cơ sở giáo dục phải niêm yết nội dung công khai tại cơ sở giáo dục (trừ cơ sở giáo dục mầm non, trường, lớp dành cho người khuyết tật chưa có cổng thông tin điện tử hoặc các trường hợp cụ thể cần phổ biến trực tiếp đến sinh viên và cha mẹ học sinh), mà thực hiện công bố công khai đầy đủ nội dung theo quy định tại Thông tư này trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục.

Ngoài ra, Thông tư 09 còn quy định cụ thể hơn thời gian công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục tối thiểu là 5 năm kể từ ngày công bố công khai. Thời gian niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục tối thiểu là 90 ngày và sau khi niêm yết phải lưu giữ nội dung công khai để bảo đảm cho việc tiếp cận thông tin tối thiểu là là 5 năm kể từ ngày niêm yết công khai (đối với cơ sở không có trang thông tin điện tử).

Để giảm bớt thủ tục phiền hà trong báo cáo và tăng cường tính minh bạch, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự giải trình của cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương, Thông tư lần này bỏ quy định cơ sở giáo dục phải báo cáo kết quả thực hiện quy chế công khai của năm học trước và kế hoạch triển khai quy chế công khai của năm học sắp tới về cơ quan có thẩm quyền.

Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục ở địa phương, cơ sở giáo dục chỉ phải báo cáo về công tác công khai khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác sẽ tăng cường việc chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Một điểm mới của nữa của Thông tư 09 là bổ sung quy định về nội dung Báo cáo thường niên. Báo cáo thường niên không phải là bản tổng hợp lưu thông tin công khai của Thông tư mà là một trong các hình thức công khai thể hiện bức tranh toàn cảnh về kết quả hoạt động của cơ sở giáo dục trong theo từng năm. Thông qua số liệu công khai trong Báo cáo thường niên, thông tin có giá trị đối sánh của năm sau so với năm trước và phục vụ cho nhiều mục đích của cơ sở giáo dục.

Hướng dẫn lồng ghép giáo dục quốc phòng và an ninh

Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 08/2024/TT-BGDĐT, ngày 15/5/2024, hướng dẫn lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học, trường THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024 và thay thế Thông tư số 01/2017/TT-BGDĐT ngày 13/1/2017 hướng dẫn giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học, trường THCS.

Cụ thể, cấp tiểu học: Thực hiện lồng ghép trong các môn học và hoạt động giáo dục đối với từng lớp, theo sách giáo khoa do nhà trường lựa chọn, phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh ở từng địa phương, tập trung vào các môn học: Tiếng Việt; Tự nhiên và Xã hội; Đạo đức; Lịch sử và Địa lí; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Hoạt động trải nghiệm.

Chủ đề lồng ghép chung từ lớp 1 đến lớp 5: giáo dục tình yêu quê hương, yêu hòa bình, yêu Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; niềm tự hào, tự tôn dân tộc, lòng biết ơn các anh hùng, liệt sĩ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; giới thiệu chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; giáo dục tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau, có ý thức tổ chức kỉ luật trong học tập.

Cấp THCS: Thực hiện lồng ghép trong các môn học và hoạt động giáo dục đối với từng lớp, theo sách giáo khoa do nhà trường lựa chọn, phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh ở từng địa phương, tập trung vào các môn học: Ngữ văn; Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lí; Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật); Nội dung giáo dục địa phương; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Chủ đề lồng ghép chung từ lớp 6 đến lớp 9: giáo dục tinh thần đoàn kết, yêu nước của dân tộc Việt Nam trong dựng nước và giữ nước qua các thời kì lịch sử; bảo vệ chủ quyền biển, đảo; bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia; quyền lợi, trách nhiệm của công dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giới thiệu một số sự kiện lịch sử chống giặc ngoại xâm; một số nội dung về bảo vệ thông tin cá nhân khi tham gia mạng xã hội; giới thiệu một số nội dung về phòng, chống tệ nạn xã hội đối với học sinh; chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước.

Trên cơ sở mục tiêu và nội dung bài học, kinh nghiệm, điều kiện thực tế, giáo viên lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh truyền cảm, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu; phát huy tính sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tâm lí, sinh lí lứa tuổi và nhận thức của học sinh; kết hợp hình ảnh minh họa, các hiện vật phù hợp với mục tiêu, nội dung bài học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học lồng ghép và thực hành.

Lồng ghép nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh thông qua dạy học các bài học, chủ đề dạy học, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong và ngoài lớp học; tham quan di tích lịch sử, bảo tàng, nhà truyền thống, đơn vị lực lượng vũ trang; tổ chức cắm trại, đọc sách, nghe, thi kể chuyện truyền thống, các hội thi tìm hiểu về quốc phòng và an ninh.